Cuộc đời Dương_Vân_Nga

Hoàng hậu nhà Đinh

Năm Mậu Thìn, Thái Bình nguyên niên (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế (Đinh Đế), tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế (大勝明皇帝), đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng Đế cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ. Phong những tướng lĩnh thân cận cai quản các châu

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đinh Tiên Hoàng Đế lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông. Tuy nhiên, không thấy nói đến bà là ai trong số 5 vị trên. Khi bà được Lê Đại Hành lập làm Hoàng hậu, sách Toàn thư ghi rõ "Vua lập Đại Thắng Minh hoàng hậu triều Đinh làm hoàng hậu". Dựa theo cách này mà suy đoán, Bà đã là Hoàng hậu triều Đinh.

Năm Kỷ Mão, Thái Bình năm thứ 10 (979), Đinh Tiên Hoàng Đế cùng con trai Nam Việt vương Đinh Liễn bị viên hoạn quan Đỗ Thích ám sát. Trước đó Thái tử Đinh Hạng Lang bị Đinh Liễn giết. Đinh Toàn là con Dương thị và là con trai còn lại của Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, còn Dương thị trở thành Hoàng thái hậu, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trở thành Phó vương nhiếp chính.

Nhiều nhà nghiên cứu gần đây có xu hướng bác bỏ giả thiết cho rằng cha con Đinh Tiên Hoàng là do Đỗ Thích giết mà đặt giả thiết thủ phạm chính là Lê Hoàn cùng với sự hậu thuẫn của Dương Thái hậu. Họ lý giải rằng, Lê Hoàn khi đó có thế lực rất mạnh, muốn toan tính lấy ngôi, còn Dương Thái hậu trong cuộc tranh đua với các hoàng hậu khác để giành ngai vàng cho con trai nên đã cấu kết với Lê Hoàn, cốt để tìm chỗ dựa cho mình cùng đứa con nhỏ. Điều này lý giải vì sao tuy còn rất nhỏ, Đinh Toàn đã có sự hậu thuẫn rất lớn của Lê Hoàn, và việc Lê Hoàn trở thành nhiếp chính bên cạnh Dương Thái hậu cũng phần nào khiến cho luận điểm này chắc chắn[6][7].

Hoàng hậu nhà Tiền Lê

Đinh Toàn khi đó mới 6 tuổi, Thập đạo tướng quân Lê Hoànnhiếp chính. Các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp thấy quyền lực rơi vào tay Lê Hoàn, lại nghi Dương Thái hậu cùng Lê Hoàn tư thông nên cử binh đến đánh. Lê Hoàn dẹp tan, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đều bị giết. Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam, cùng vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.

Năm Canh Thìn (tức năm 980), tháng 6, Tri sự Ung Châu của nhà Tống là Thái thường bác sĩ Hầu Nhân Bảo dâng thư cho Tống Thái Tông, khuyên chuẩn bị sang đánh Đại Cồ Việt.

Tháng 7 năm đó, Lạng Châu nghe tin quân Tống sắp kéo sang, liền làm tờ tâu báo về. Thái hậu sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi đánh giặc, lấy người ở Nam Sách Giang là Phạm Cư Lạng làm đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người rằng: "Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẻ xuất quân thì hơn". Quân sĩ nghe vậy đều hô "Vạn tuế".

Dương Thái hậu thấy mọi người đều quy phục Lê Hoàn, bèn sai thị nữ đem áo Long cổn, khoác lên người Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Lê Hoàn đổi niên hiệu, chỉnh đốn quân đội để đối phó với quân Tống.

Năm Tân Tỵ (tức năm 981), chiến tranh giữa Đại Cồ Việt và nhà Tống nổ ra, Lê Hoàn đánh bại toàn thắng, lại xưng tôn hiệu Minh Càn Quảng Hiếu hoàng đế (明乾廣孝皇帝), lập nên nhà Tiền Lê. Ông lập Dương Thái hậu trở thành một trong 5 vị Hoàng hậu của ông với tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng hậu (大勝明皇后), đứng sau là Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quấc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu.

Qua việc gọi bà là Đại Thắng Minh hoàng hậu, dùng ngay tôn hiệu của Đinh Tiên Hoàng có thể thấy được Lê Hoàn đã cố ý khẳng định vai trò của bà trong hoàng cung nhà Đinh cũng như tính chính danh, biểu tượng cho sự trao quyền lực của nhà Đinh sang cho nhà Lê, thứ luôn khiến dư luận chỉ trích Lê Hoàn. Các sử gia rất nặng lời với Lê Hoàn trong việc này vì trái với đạo quần thần.

Năm Canh Tý, Ứng Thiên năm thứ 7 (1000), Đại Thắng Minh hoàng hậu Dương thị qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi, cùng năm với con trưởng của Lê Hoàn là Hoàng thái tử Lê Long Thâu.

Bảo Quang Hoàng Thái hậu

Đền vua Lê Đại Hành, nơi thờ Dương Vân Nga.

Hiện nay ở nhiều di tích như động Am Tiên, đền Vua Lê, đình Trung Trữ (Hoa Lư, Ninh Bình); đình Yến (Thanh Liêm, Hà Nam),... Người Việt gọi bà là Bảo Quang Hoàng thái hậu. Dựa theo 3 tấm bia ở đền vua Lê, Hoa Lư, Ninh Bình thì có hai tấm được làm vào đầu thời Hoàng Định (niên hiệu nhà Lê Trung hưng). Tấm bia "Tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành Hoàng đế bi ký tịnh minh" là một trong ba tấm bia đó. Trên bia ghi đến việc tạo tượng thờ ở đền vua Lê. Tên của ba pho tượng đó được ghi rõ gồm có: Lê triều Đại Hành Hoàng đế, Bảo Quang Hoàng thái hậu và Ngọa triều Hoàng đế.[8]

Tại các di tích khác như: đình Trai ở xã Gia Hưng (Gia Viễn), đền Đồng Bến hay đình Bách Cốc ở Vụ Bản (Nam Định) bà cũng được thờ với danh xưng Bảo Quang Hoàng Thái hậu. Các văn bản lịch sử chính thống như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên đều không nhắc đến Hoàng thái hậu nào ở thời Đinh - Tiền Lê có tên là Bảo Quang. Năm Hoàng hậu triều Đinh là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, năm Hoàng hậu triều Lê là Đại Thắng Minh Hoàng hậu, Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thánh Minh Đạo Hoàng hậu, Trịnh Quốc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu. Lê Long Đĩnh sau khi lên ngôi truy tôn hiệu mẹ là Hưng Quốc quảng thánh Hoàng thái hậu, bà không phải là một trong năm vị Hoàng hậu của Lê Đại Hành nhưng là mẹ của hai vua Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh.

Bức tượng có một đặc điểm chưa từng có trong nghệ thuật tạc tượng chân dung các bà hoàng phi công chúa là mặt rất đỏ. Những pho tượng cùng thời kỳ đó như Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên ở chùa Bút Tháp, cũng như rất nhiều các pho tượng hậu tạc các hoàng phi, cung phi khác, da mặt đều phủ một lớp bột xương trắng ngà. Và da mặt và tay đồng nhất. Theo lý giải của dân gian, bà Dương hậu do vụng trộm với vị tướng họ Lê trong lòng thấy xấu hổ nên đỏ mặt. Theo cách lý giải này, tượng quay về đền vua Đinh, Dương Thái hậu đến chết rồi vẫn không hết hổ thẹn khi nhìn về đền thờ chồng cũ. Tượng thờ các nhân vật nữ không tô màu đỏ vì trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca đa mao hồng diện chỉ những người đàn bà có nhu cầu tình dục cao. "Hoàn vương ca tích" là bản trường ca cổ lưu truyền trong dân gian. Trong văn bản này, dung nhan của bà Dương hậu góa chồng khi gặp Lê Hoàn được mô tả như một người đàn bà đầy khát khao: “Môi son rừng rực, mặt hoa rờn rờn - Mắt kia sao mọc cờn cờn - Cổ kia đã trắng lại tròn hân hân..”.

Bảo Quang Hoàng thái hậu là cách gọi tránh tên hiệu Đại Thắng Minh Hoàng hậu, xuất hiện từ thời nhà Lý. Các Vua nhà Lý từ đời Lý Thái Tông trở về sau đều là những hậu duệ của bà. Hậu thế, đặc biệt là các nhà Nho rất ác cảm với việc Lê Đại Hành lấy tên hiệu Đại Thắng Vương của Đinh Tiên Hoàng, chồng cũ của Dương hậu làm danh hiệu mới. Cuối đời, Dương Vân Nga về tu ở chùa Am Tiên nên có thể vì thế mà các hậu duệ sau này đã tôn vinh bà là Bảo Quang Hoàng thái hậu. Theo Từ điển Phật học Hán Việt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nhà xuất bản. Khoa học xã hội) thì Bảo Quang Thiên tử là một danh hiệu của đức Quán Âm. Pháp danh của bà Dương hậu dù không được ghi trong chính sử nhưng nó vẫn có trong các kinh điền Phật giáo và lưu truyền trong dân gian.